VNPT logo

Truyền thống lịch sử

  SẢN PHẨM VÀ DỊCH VỤ
  • PHẦN IV: XÂY DỰNG, TRƯỞNG THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN GIAI ĐOẠN TỪ 1975 ĐẾN NAY  (16/12/2010)

  • CHƯƠNG V: BƯU ĐIỆN TT-HUẾ TRONG THỜI KỲ HỢP NHẤT 3 TỈNH (1/1975 - 8/1989)

     

    Sau ngày Huế được giải phóng, lực lượng giao bưu và thông tin cách mạng đã tiếp quản toàn bộ cơ sở vật chất về bưu điện do chế độ cũ để lại. Ty Bưu điện Thừa Thiên Huế nhanh chóng trở lại hoạt động đúng vai trò, tôn chỉ của ngành Bưu điện dân sự. Phục đắc lực cho sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và khôi phục sản xuất đời sống của nhân dân. Cùng với việc sát nhập tỉnh Quảng Bình, Quảng trị, Đặc khu Vĩnh Linh và Thừa Thiên thành một tỉnh mới mang tên Bình Trị Thiên, Bưu điện Bình Trị Thiên cũng được ra đời theo quyết định số 136-QĐ của Tổng cục Bưu điện Việt Nam ngày 21/01/1976.

     

     

    Trong giai đoạn khó khăn thời hậu chiến, còn nặng cơ chế tập trung bao cấp, CB-CNV Bưu điện Bình Trị Thiên đã phải tận thu từng mét dây, từng cột ri, để khôi phục và mở rộng tuyến dây trần, dây rút tải 3 về các huyện. Có khi thiếu cột điện thoại phải đi xin, đi mua tre tươi về trồng làm cột điện thoại. Nhất là tuyến đường dân sinh lên vùng cao Nam Đông, A lưới.

     

    Những năm đầu hợp nhất tỉnh, hệ thống tổng đài dọc ngang vừa ít dung lượng, vừa cũ kỹ, lạc hậu. Đời sống CB-CNV Bưu điện Bình Trị Thiên lúc đó cũng thiếu thốn đủ bề. Nhưng anh chị em đã trên dưới một lòng đoàn kết cùng nhau khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

     

     

    Phát huy truyền thống anh dũng, trung thành, tận tụy của các lớp giao liên, giao bưu đi trước, đội ngũ CB-CNV Bưu điện Thừa Thiên Huế hôm nay càng nêu cao tinh thần trách nhiệm, phục vụ Đảng, nhà nước và nhân dân. Liên tục mở rộng mạng lưới và phát triển dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng của các tầng lớp nhân dân ở hầu hết các xã trong tỉnh.

     

    CHƯƠNG VI: HIỆN ĐẠI HÓA VÀ SỐ HÓA - BƯỚC CHUYỂN BIẾN MỚI, MỘT MỐC LỊCH SỬ QUAN TRỌNG (9/1989 - 12/2007)

     

    Bước vào thời kỳ đổi mới, trong chiến lược tăng tốc giai đoạn I (1992 - 1995), Bưu điện Thừa Thiên Huế đã tập trung vào đổi mới trang thiết bị tổng đài điện tử ở trung tâm Huế, thành phố, tỉnh lỵ. Tiếp đến là các bưu điện huyện trong toàn tỉnh. Lần đầu tiên trong lịch sử Bưu chính - Viễn thông (1990) các cột ăng-ten bề thế với những chảo Viba kỹ thuật số được xây lắp ở các huyện miền núi Nam Đông, A Lưới, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và diện mạo mới cho vùng quê vốn rất trung dũng, ngoan cường nhưng còn nhiều gian khó này. Ở Bưu điện Trung tâm Huế cho đến bây giờ nhiều người vẫn chưa thể quên sự đổi đời lịch sử cùng những cảm xúc vui buồn lẫn lộn khi tháo bỏ tổng đài Analog cũ kỹ lạc hậu, dung lượng thấp, thay vào đó là tổng đài mới, kỹ thuật số 1000E10 Acatel có dung lượng lớn, tính năng kỹ thuật hiện đại, tân tiến hơn.

     

     

    Bước vào giai đoạn tăng tốc phát triển giai đoạn 2 (1996-2000), Bưu điện TT-Huế tiếp tục hiện đại hoá mạng cáp thành phố và mạng cáp nội hạt tại các huyện kéo thêm nhiều tuyến cáp 10, 20, 50 đôi về các xã cho nông dân, góp phần thúc đẩy tiến trình công nghiệp hoá hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn mà Đảng ta đã đề ra. Từ năm 1997, đã có 100% xã ở TT-Huế có điện thoại về làng, thoả mãn nhu cầu sử dụng dịch vụ viễn thông của người dân dù là vùng đồng bằng, ven biển hay vùng núi cao xa xôi hẻo lánh.

     

    Nếu năm 1975, khi mới giải phóng cả tỉnh TT-Huế mới có 270 máy điện thoại chủ yếu cho các cơ quan doanh nghiệp nhà nước và lãnh đạo các cấp thì trong thời kỳ này số thuê bao điện thoại trong tỉnh đã lên trên 110.000 máy điện thoại cố định, trên 38.000 thuê bao điện thoại di động. Mật độ điện thoại mạng VNPT do Bưu điện TT-Huế quản lý hiện nay đã đạt 15 máy/100 dân. Bưu điện TT-Huế vẫn là đơn vị có thị phần lớn nhất trên địa bàn TT-Huế nhờ có sự tín nhiệm lâu dài của đông đảo khách hàng và chính sách chăm sóc khách hàng chu đáo của đơn vị.

     

     

    Đặc biệt sau khi triển khai thành công dịch vụ Internet vào đầu năm 1998, tạo điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại ra cộng đồng. Thế giới phẳng đã mang lại nhiều điều thú vị, bổ ích và hiệu quả thiết thực trong sản xuất, đời sống cho nhiều người ở nhiều vùng quê khác nhau. Giai đoạn này Bưu điện TT-Huế đã có 100% số huyện, trên 30% số bưu cục trong khu vực có đường truyền dẫn cáp quang. Mạng cáp điện thoại đã vươn tới nhiều thôn xóm, bản làng tạo điều kiện để phát triển mới các dịch vụ viễn thông phục vụ chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, chính quyền các cấp và nhu cầu ngày càng cao của đông đảo nhân dân.

     

    Không những mở rộng, nâng cao chất lượng thông tin kinh tế xã hội qua tổng đài 1080, năm 2000, Bưu điện TT-Huế còn xây dựng thành lập website Netcodo với mục tiêu phấn đấu trở thành một tờ báo điện tử phục vụ bạn đọc trên mạng Internet. Netcodo của Bưu điện TT-Huế đã góp thêm một kênh thông tin lý thú, bổ ích về lịch sử văn hóa con người xứ Huế, cũng như giới thiệu tiềm năng phát triển của TT-Huế. Netcodo còn là nhịp cầu nhân ái bền vững, nối những tấm lòng hảo tâm với những mảnh đời cần được giúp đỡ, chia sẽ.

     

    Phát huy thành quả của tiến trình đổi mới, những năm gần đây Bưu điện TT-Huế đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và sản xuất ở các đơn vị. Phong trào thi đua lao động sáng tạo nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh đã thực sự mang lại môi trường lao động hiệu quả cho CBCNV trong ngành.

     

    CHƯƠNG VII: VIỄN THÔNG TT-HUẾ GIAI ĐOẠN SAU KHI CHUYỂN ĐỔI MÔ HÌNH HOẠT ĐỘNG TỪ 1-1-2008 ĐẾN NAY

     

    Năm 2008, Viễn thông TT-Huế hoạt động theo mô hình tổ chức mới của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam với chức năng quản lý mạng viễn thông nội tỉnh và kinh doanh các dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh TT-Huế. Trên cương vị mới, Viễn thông TT-Huế tiếp tục phát huy những thành quả đạt được của Bưu điện TT Huế trước đây trong sản xuất kinh doanh và phục vụ khách hàng. Năm 2008, doanh thu của đơn vị tăng cao, nộp ngân sách tăng 37% so với năm 2007.

     

     

    Bước sang năm 2009, mặc dù tình hình không thuận lợi, Viễn thông TT-Huế cũng đã rất nỗ lực, tiếp tục đà tăng trưởng của các năm trước. Số thuê bao điện thoại của đơn vị trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng lên đáng kể. Hiện tại, VNPT TT Huế chiếm hơn 85% thị phần các dịch vụ viễn thông, với một số lượng khách hàng rất lớn trên địa bàn tỉnh sử dụng dịch vụ. Cùng với kết quả khả quan trong kinh doanh các dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin, hệ thống hạ tầng viễn thông không ngừng được đầu tư xây dựng hoàn thiện và đồng bộ. Tập trung khai thác hiệu quả các dịch vụ giá trị gia tăng mới, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc khách hàng, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động, giữ vững và phát triển thị phần, tập trung vào lĩnh vực kinh doanh thông tin di động, chuyên nghiệp hoá xây dựng hạ tầng viễn thông. Triển khai nhanh các dự án công nghệ cao trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ 3G đến khách hàng. Liên kết và chủ động phát triển các dịch vụ có chất lượng và dịch vụ mới như: IPTV, Megafun, Educare… Phấn đấu đạt mức tăng trưởng trong năm 2009 đạt 35%, phát triển thêm 31.600 thuê bao các dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin. Hoàn thành một số chỉ tiêu quan trọng của tỉnh đề ra như: 100% thôn có điện thoại, 100% trạm y tế xã, phường và 100% UBND phường, xã có internet… Với tinh thần đoàn kết và quyết tâm vượt khó cao độ tập thể lãnh đạo và CB-CNV Viễn thông TT-Huế nỗ lực và hoàn thành xuất sắc các mục tiêu sản xuất kinh doanh:

     

    - Doanh thu năm 2009 đạt 100,7 % kế hoạch tăng 28% so với năm 2008.
    - Phát triển thuê bao tăng 14% so với năm 2008.
    - Nộp ngân sách nhà nước tăng 20% so với năm 2008.
    - Năng suất lao động tăng 18% so với năm 2008.
    - Thu nhập của người lao động cũng tăng tương ứng với hiệu quả sản xuất.

     

    Bên cạnh đó, Viễn thông TT-Huế đã triển khai xây dựng hệ thống CSKH đa cấp, đưa thông tin dịch vụ đến tận người sử dụng ở mức cao nhất. Ban hành chính sách ưu đãi dành cho các khách hàng lớn, và truyền thống nhằm tạo sự thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ với giá cước ưu đãi. Đơn vị còn tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi và hoạt động tài trợ nhằm quảng bá, khuyếch trương hình ảnh thương hiệu VNPT trong các lễ hội, các hoạt động văn hóa thể thao lớn của tỉnh nhà như chương trình “Lăng Cô huyền thoại biển 2009”, “Festival làng nghề truyền thống 2009”...

     

     

    Với mục tiêu góp phần xây dựng tỉnh TT Huế ngày càng phát triển sớm trở thành phố trực thuộc Trung ương, xứng đáng là một trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ, y tế, giáo dục - đào tạo lớn của cả nước theo kết luận số 48 của Bộ Chính trị, Viễn thông TT-Huế đã xây dựng các mục tiêu phấn đấu và đến nay đã hoàn thành các chỉ tiêu quan trọng:

     

    + 100% thôn có máy điện thoại;
    + Kết nối Internet đến 100% các trạm y tế phường xã, UBND phường xã phường góp phần trong việc triển khai ứng dụng CNTT trong toàn tỉnh;
    +Hỗ trợ cho Ngành giáo dục triển khai chương trình kết nối internet đến các trường học, hiện nay có 100% trường phổ thông tiểu học trở lên có Internet,
    +Hoàn thành chỉ tiêu 100% đồn biên phòng trong tỉnh TT Huế có máy điện thoại,
    +Cung cấp đường truyền Truyền hình trực tiếp lên cho đông bào Dân tộc Huyện Alưới…

     

    Với đặc thù tỉnh TT Huế là một thành phố Festival, thành phố du lịch, đơn vị xem việc phát triển hạ tầng ngầm là giải pháp cần thiết cho địa bàn tỉnh. Vì vậy ngay từ năm 1993, đã đề ra chương trình mục tiêu ngầm hoá các tuyến cáp trên địa bàn thành phố Huế và các huyện thị và đến nay đã ngầm hoá 100% các tuyến cáp sơ cấp trong thành phố Huế.

     

    Ngoài các nhiệm vụ chính trị và hoạt động sản xuất kinh doanh, công tác hoạt động xã hội cũng luôn được đơn vị quan tâm. Trong nhiều năm qua, Viễn thông TT-Huế đã tổ chức nhiều hoạt động thăm hỏi và tặng quà nhân ngày thương binh liệt sĩ 27-7, thăm Bà mẹ Việt Nam anh hùng và gia đình liệt sỹ có công với Cách mạng… Tổ chức nhiều cuộc vận động CBCNV trong toàn đơn vị tự nguyện đóng góp phần thu nhập ủng hộ người nghèo, trao học bổng cho học sinh nghèo học giỏi và ủng hộ đồng bào bão lũ tại các tỉnh miền Trung. Ngoài ra thông qua “Nhịp cầu Nhân ái” trên trang Web Netcodo, Công đoàn đơn vị đã vận động được hơn 50 tập thể, cá nhân trong và ngoài ngành ủng hộ với tổng số tiền hơn 450 triệu đồng (trong đó: 382.200.000VND + 3.300 USD + 250 CAD) cho hơn 1.300 hoàn cảnh hoàn cảnh khó khăn, các sinh viên nghèo, các bệnh nhân nghèo và hỗ trợ đồng bào lũ lụt miền Trung...

     

    Với những kết quả đạt được, năm 2009 Viễn thông TT-Huế đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng cờ thi đua xuất sắc; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng thưởng cho Viễn thông TT-Huế đã có nhiều thành tích trong công tác từ năm 2006 đến năm 2008 góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; Bằng khen UBND tỉnh đã có nhiều thành tích trong SXKD góp phần phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2009; Bằng khen của Bộ GD ĐT về thành tích đóng góp cho sự phát triển của ngành giáo dục; Bằng khen về công tác phòng chống và khắc phục hậu quả cơn bão số 9 năm 2009 và nhiều phần thưởng cao quý khác.

     

    Phát huy truyền thống của mình, VNPT TT-Huế hôm nay dù trong hoàn cảnh nào, cũng sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước, nhân dân và đông đảo khách hàng gần xa. Với “Năng lực vượt trội - Chất lượng bền vững”, VNPT TT-Huế mãi mãi đồng hành cùng với khách hàng, nối liền mọi khoảng cách và đáp ứng ngày càng cao nhu cầu thông tin liên lạc, góp phần thúc đầy phát triển đời sống, kinh tế, văn hoá, xã hội của quê hương - đất nước trong tiến trình hội nhập và phát triển./.