VNPT logo

Truyền thống lịch sử

  SẢN PHẨM VÀ DỊCH VỤ
  • PHẦN I: GIAO THÔNG LIÊN LẠC TRƯỚC CÁCH MẠNG THÁNG 8 - 1945  (20/12/2010)

  • CHƯƠNG I - MỞ ĐẦU

     

    Cùng với cả nước những năm gần đây, TT-Huế đã có những phát triển mạnh mẽ, đổi thay trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Một trong những đổi thay nhanh chóng vững chắc ấy là lĩnh vực Viễn thông trên địa bàn của tỉnh nhà. Nhiều dịch vụ mới của Viễn thông TT-Huế ngày càng được phát triển mở rộng, với chất lượng cao, phục vụ kịp thời, đầy đủ cho sự lãnh đạo, chỉ đạo của đảng và chính quyền các cấp. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của đời sống xã hội thời mở cửa hội nhập và phát triển. Có được diện mạo mới, có được ngày vui hôm nay, chúng ta không quên những năm tháng đã qua với bao kỷ niệm, chiến công và với bao mất mát hy sinh gian khổ của dân tộc, của cán bộ, chiến sĩ của đồng bào ta. Trong đó có đội ngũ những người làm công tác giao thông liên lạc trước đây, Viễn thông TT-Huế ngày nay.

     

     

    Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá cao vai trò của thông tin liên lạc. Người đã từng nói "...Liên lạc quan trọng bậc nhất trong công tác Cách Mệnh vì chính nó quyết định sự thống nhất chỉ huy, sự phân phối lực lượng và do đó bảo đảm thắng lợi..."

     

    Những hiện vật trong nhà truyền thống Bưu điện nói với chúng ta nhiều điều về những giai đoạn lịch sử đã qua về lớp người đi trước. Trong đó có cán bộ, nhân viên Bưu điện TT-Huế. Những người đã một thời chân trần, nón lá, đói cơm, nhặt muối mà đã vượt qua bao hy sinh gian khó để giữ vững mạch máu thông tin liên lạc góp phần làm nên thắng lợi của cách mạng từ những ngày đầu còn trứng nước.

     

    CHƯƠNG II - HOẠT ĐỘNG GIAO THÔNG LIÊN LẠC GẮN LIỀN VỚI SỰ THÀNH LẬP ĐẢNG

     

    Trong thời kỳ sơ khai của cách mạng, giao thông liên lạc của Thừa Thiên Huế tuy còn đơn sơ nhưng có rất nhiều hoạt động phong phú đa dạng, thiên biến vạn hoá để che mắt địch. Một gốc cây ven đường, một ghế đá trong công viên, hay dọc bờ sông Hương, những đò nốt trên sông, những rổ rau hai đáy ở chợ. Những đình miếu nơi làng quê, góc phố đều có thể trở thành những hòm thư liên lạc bí mật, nhưng rất linh hoạt hiệu quả cho hoạt động cách mạng.

     

     

    Có thể nói suốt thời kỳ vận động thành lập Đảng cho đến CMT8 1945, mỗi cán bộ cách mạng đồng thời là một chiến sĩ giao liên dũng cảm. Mỗi giao liên là một cán bộ cách mạng kiên trung. Ngày 14 và 15/08/1945, tại Tân Trào - Việt Bắc, Hội nghị Trung ương Đảng ra Nghị quyết thành lập Ban giao thông chuyên môn mở ra thời kỳ mới về tổ chức và hoạt động giao thông liên lạc phục vụ Đảng và cách mạng. Từ quyết định lịch sử ấy, ngày 15/08 hàng năm đã trở thành ngày truyền thống đầy tự hào của Ngành Bưu điện Việt Nam. Trong đó có ngành Bưu chính - Viễn thông TT-Huế.

     

    CHƯƠNG III - GIAO THÔNG LIÊN LẠC TỪ SAU NGÀY ĐẢNG TA THÀNH LẬP (3-2-1930 - Cách mạng tháng Tám - 1945)

     

    Sau Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931, Đảng đã tận dụng cơ hội phong trào đòi dân sinh dân chủ 1936 - 1939, để đấu tranh trực diện trên mặt trận báo chí. Thời kỳ này giao liên TT-Huế phối hợp với giao liên các tỉnh đưa báo chí, tài liệu đến cho cán bộ, quần chúng, nhất là sinh viên, học sinh giúp họ giác ngộ đi theo cách mạng.

     

     

    Ngày 23/08/1945 tại TT-Huế, Bảo Đại - vị vua cuối cùng của triều đình phong kiến nhà Nguyễn phải thoái vị trao ấn kiếm cho chính phủ Việt Minh tạo điều kiện để ở Hà Nội mùng 2/9/1945, Hồ Chủ Tịch đã thay mặt quốc dân đồng bào cả nước đọc Bản tuyên ngôn độc lập. Lúc bấy giờ cơ sở Bưu điện Huế của Thực dân Pháp cũng được Việt Minh tiếp quản đưa vào hoạt động, phục vụ cho chính quyền cách mạng còn non trẻ. Thời đó, ông Trịnh Thống - Chủ sự Bưu điện Huế được cử làm Giám đốc Bưu điện Trung Bộ, ông Nguyễn Quốc Kinh làm Giám đốc Bưu điện Huế.